Không lơ là an toàn thực phẩm bếp ăn trường học
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, vừa qua Đường dây nóng của Cục liên tiếp nhận được thông tin về thực phẩm bẩn, bữa ăn mất an toàn tại các trường học ở một số địa phương.
Bếp ăn nhà trường: Thực phẩm thối rữa, khay ăn có giòi... và hàng loạt học sinh nhập viện
Mới đây nhất, ngày 21/9, BVĐK huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 73 em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có dấu hiệu ngộ độc thức ăn với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và đau bụng. Giáo viên nhà trường cho biết, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 20/9, sau khi ăn cơm bán trú tại trường, 73 học sinh có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn và đau bụng, ngay lập tức nhà trường đã thuê phương tiện đưa các em đến bệnh viện điều trị.
Trước đó vài ngày, liên tục tại một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn Hà Nội đã có hàng chục học sinh bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... phải nhập viện. Đó là sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 40 học sinh kêu đau bụng, sáng dậy kèm theo sốt, nhiều em còn bị tiêu chảy dẫn đến phụ huynh phải cho con mình đến một số bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô để khám và điều trị. Hay vào ngày 12/9 vừa qua, đã có 9 trẻ rối loạn tiêu hóa phải vào viện sau bữa ăn ở Trường mầm non Lại Yên (Hoài Đức - Hà Nội).
Tại Vĩnh Phúc, phụ huynh đã “chặn” một xe thực phẩm gồm nhiều rau quả đã rữa nát chuẩn bị được chuyển vào Trường tiểu học Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường. Các quả bí đã không còn tươi, su su hỏng đã mọc rễ... Thậm chí, có người đã đập thử một quả trứng, bằng mắt thường cũng có thể thấy quả trứng này rất loãng, lòng đỏ đã nát, dấu hiệu của việc trứng đã hỏng. Sự việc nhanh chóng thu hút nhiều phụ huynh học sinh đến để chứng kiến.
Ở Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, phụ huynh cũng phẫn nộ vì phát hiện có dòi trong khay đựng thức ăn của học sinh.
rước những nỗi lo lắng của phụ huynh, ngày 22/9, Đoàn kiểm tra của Cục ATTP đã tiến hành kiểm tra bếp ăn tại một số trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hai trường được kiểm tra gồm Trường tiểu học Đức Giang và Trường mầm non Yên Sở, báo cáo của nhà trường và kiểm tra hồ sơ giấy tờ đều cho thấy nhà trường có hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm, tại Hoài Đức cũng có một nhà cung cấp rau đạt chuẩn Viet GAP.
Tại Trường mầm non Yên Sở chế biến thức ăn cho 1.050 học sinh. Có 24 nhân viên nấu bếp. Nhà trường có trồng thêm rau sạch và nhập thực phẩm từ các công ty cung cấp có uy tín. Mỗi ngày ăn trị giá 18.000 đồng. Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu phó Trường mầm non Yên Sở, Hoài Đức, cho biết, trường đã huy động cả phụ huynh giám sát khâu giao - nhận thực phẩm hằng ngày.
Tại Trường tiểu học Đức Giang, cô Phạm Thị Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số học sinh ăn bán trú tại nhà trường thường dao động khoảng 650 học sinh. Thực phẩm đầu vào ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm trên địa bàn huyện. Khi thực phẩm đến, bếp trưởng sẽ kiểm tra thực phẩm, nếu không đảm bảo chất lượng bằng cảm quan (ví dụ nhìn mớ rau không tươi, củ khoai tây dập...) thì trả lại luôn. Mỗi bữa ăn trưa của các cháu trị giá 15.000 đ/ngày. Hiện có 10 nhân viên phụ trách bếp ăn của nhà trường. 10 năm trở lại đây bếp ăn của nhà trường không xảy ra vấn đề về ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Hà, cái khó của bữa ăn trường học là nhiều loại thực phẩm giao hằng ngày, khâu giao - nhận nếu không chặt chẽ thì rất có thể có rau, thịt không chuẩn được “tuồn” vào. Do đó, để đảm bảo vệ sinh ATTP bếp ăn trường học, nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền về kiến thức ATTP cho nhân viên nhà bếp. Hàng năm đều ký cam kết về đảm bảo ATTP với các công ty cung cấp. Tiếp đến là khâu nhận thực phẩm hàng ngày rất chú trọng. Nhà trường mời phụ huynh tham gia kiểm tra thực phẩm hàng ngày. Cùng vói thực đơn đã gửi thì phụ huynh đều có thể đến kiểm tra thực phẩm vào bất cứ lúc nào.
TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP đánh giá cao sự quy củ của nhà trường trong việc mua nguyên liệu thực phẩm khi có hồ sơ, hợp đồng đầy đủ, nhân viên bếp được tập huấn thường xuyên...
Phải nghiêm túc thực hiện các góp ý của đoàn kiểm tra. Nhà trường cần lưu ý nước nấu ăn và nước rửa riêng. Không dùng nước giếng khoan để nấu ăn cho trẻ.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, phụ huynh và nhà trường nếu có thể kiểm soát chặt chẽ giá cả và chất lượng như ở hai trường này cũng chỉ thực hiện được khi trường tổ chức bếp ăn, còn các trường thuê khoán và nhà cung cấp chia sẵn suất ăn từ bên ngoài thì rất khó kiểm soát.
Theo ông Trần Văn Châu, những trường học có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn trưa (chưa tính bữa phụ) thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (trường hợp thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật). “Do đó, chúng tôi đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hằng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn hãy gọi cho chúng tôi. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương” - ông Trần Văn Châu nói.
Thái Bình (SKĐS)